SẮC TỐ DA LÀ GÌ VÀ NÓ CÓ PHẢI NGUYÊN NHÂN GÂY RA CÁC ĐỐM ĐEN TRÊN KHUÔN MẶT?

Sắc tố của da giống như con dao hai lưỡi, vừa có lợi cho sức khỏe vừa là yếu tố gây ảnh hưởng về thẩm mỹ đối với làn da. Sắc tố da có thể bị rối loạn bởi các điều kiện như di truyền, bệnh tật, thay đổi nội tiết, dinh dưỡng… và gây ra các tình trạng bệnh do rối loạn sắc tố: Nám da, tàn nhang, sạm da…

Melanin được xem như là nguyên chính hình thành các vết đốm, sạm trên da. Khi lượng melanin được sản xuất quá mức bởi các yếu tố như tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố hay lão hoá sẽ gây ra một số tình trạng liên quan đến sắc tố da như: Tăng sắc tố, giảm sắc tố và mất sắc tố.

Sắc tố da là gì?

Sắc tố da là do sự lắng đọng của sắc tố melanin. Melanin được sản xuất bởi các tế bào melanocytes. Một số tình trạng liên quan đến sắc tố da gồm: tăng sắc tố (quá nhiều sắc tố), giảm sắc tố (quá ít sắc tố) và khử sắc tố (mất sắc tố).

Tuy nhiên, với từng cá nhân sẽ có tỷ lệ sắc tố khác nhau. Số lượng sắc tố sẽ là yếu tố quyết định màu da tự nhiên, cũng như độ rám nắng của da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nguyên nhân tạo ra đốm đen trên da.

Màu sắc da của một người thường được xác định bởi kiểu gen di truyền cũng như mức độ da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Với những khu vực da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ có màu tối hơn so với những khu vực làn da được che chắn. Melanin là sắc tố tự nhiên có tác dụng kiểm soát màu da và nó được cơ thể tiết ra để bảo vệ da khỏi tia UV – là nguyên nhân có thể dẫn đến sạm, nám da hay rối loạn sắc tố da.

Các vấn đề về sắc tố đã được chứng minh là có liên quan đến chức năng của melanin hoạt động kém. Cho nên, nó sẽ gây ra tình trạng thay đổi da bao gồm: tăng sắc tố (đốm đen) hoặc giảm sắc tố (đốm sáng) trên da.

Một số yếu tố gây ra đốm đen trên da:

  • Đốm đen do ánh nắng mặt trời:

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra các đốm đen trên da. Bình thường thì hắc sắc tố melanin sinh ra có mục đích bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Nhưng khi tiếp xúc quá nhiều, quá thường xuyên với các tia UV sẽ làm cho melanin bị tăng sinh quá mức và không được đào thải ra bên ngoài mà tích tụ lại hình thành nên đốm nâu.

  • Đốm đen do thay đổi nội tiết tố:

Đối với những chị em phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh thì nội tiết tố trong cơ thể thường bị rối loạn dẫn đến lượng estrogen bị suy giảm khiến cho sắc tố melanin được sinh ra nhiều hơn. Lâu dần chúng sẽ tích tụ và tạo nên các đốm nâu trên da.

  • Ảnh hưởng bởi tuổi tác:

Khi càng lớn tuổi các đốm nâu đặc biệt là ở da tay sẽ càng xuất hiện nhiều hơn. Phụ nữ ở độ tuổi 30 trở đi sẽ bắt đầu phải đối mặt với các vết thâm nán, đốm nâu trên da do da chúng ta bị lão hóa trở nên yếu đi nên dễ bị hư hại.

  • Ảnh hưởng bởi công việc:

Công việc cũng có thể dẫn đến chứng tăng sắc tố da do nguy cơ phơi nhiễm dưới ánh nắng hoặc các loại hóa chất. Những người bị tăng nguy cơ mắc chứng này bao gồm người làm vườn, công nhân làm nhựa đường, và những người làm trong xưởng chế nước hoa hay tiệm làm bánh.

  • Do di truyền:

Yếu tố di truyền cũng là một trong những lí do bạn cần phải lưu ý nếu làn da của mình nổi lên các đốm nâu. Chỉ cần bố mẹ bị đốm nâu thì khả năng bạn bị đốm nâu cũng rất cao. các đốm nâu do di truyền thường nằm trong cấu trúc của gen nên rất khó can thiệp và điều trị được dứt điểm.

Cùng các nguyên nhân khác:

– Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lí

– Sinh hoạt không khoa học

– Lạm dụng quá nhiều mỹ phẩm

– Mắc một số bệnh gây rối loại nội tiết như Addison

– Sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng phụ làm tăng sắc tố da.